Phật giáo & Văn hóa
Phật giáo & Văn hóa

Giao điểm giữa Thiền và Hậu hiện đại

25/12/2023

Giao điểm giữa Thiền và Hậu hiện đại

Hiện nay, khái niệm  Hậu hiện  đại không còn xa lạ đối với người Việt. “Nó ra đời khi mà các chủ thuyết hiện đại trở nên già cỗi, đã trở thành những đại tự sự”. Lyotard xác định: “Hậu hiện đại là sự hoài nghi đối với các siêu tự sự”.[3; tr.11]. Với bài viết này chúng tôi đem Hậu hiện đại soi chung  với Thiền tông  để thấy được giữa Thiền tông Phật giáo với chủ nghĩa Hậu hiện đại có những “giao lộ”.

  1. Từ ngôn ngữ đạo đoạn hay siêu ngữ

Daisetz Teitaro  Suzuki bàn  trong  Thiền luận rằng “Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta”[4; tr 9]. “Thiền là sáng tạo, không thể phô diễn được bằng thứ ngôn  ngữ cùng nát, thiếu sinh khí của hàng  bác học và mô phạm” [4; tr.443].

Luận bàn đến sự chứng ngộ của thiền thì ngôn ngữ không thể giải quyết được. Đến với quan điểm Thiền tông là rời bỏ ngôn ngữ, nếu không thì chỉ quanh quẩn trong  vòng lưới tư duy nhị nguyên.  Khi cảm khái và nhận chân giá trị cái hiện hữu thì một tiếng thét làm “lạnh cả bầu trời” của Thiền sư Không Lộ vượt ra khỏi ngôn ngữ hay khi Tổ Bồ-đề Đạt-ma hỏi Huệ Khả về sự  chứng ngộ chừng nào thì Tổ Huệ Khả chỉ biết im lặng lạy ba lạy khiến Tổ Đạt-ma cho rằng ông đã đạt đến phần tủy của Đạo. Sự chứng ngộ của thiền là tự thân cảm  nhận,  không  dùng  ngôn  ngữ  để  biểu  đạt  nên tâm ấn thường truyền cho những ai đạt đến cảnh giới thông  suốt, nghĩa là giữa người truyền và người được truyền thông tâm như gương trong, lúc này không nói cũng hiểu. Khi dùng ngôn ngữ biểu đạt Thiền thì ngôn ngữ gãy đoạn không đi trọn vẹn chức năng của nó, lâm vào bế tắc.

Lê Huy Bắc nói rằng: “Hậu hiện đại lấy trò chơi ngôn ngữ làm diễn ngôn  của mình. Tính chất vừa quy ước vừa đả quy ước của trò chơi ngôn ngữ là nền tảng vận động của tư duy hậu hiện đại. Theo đó, mọi ràng buộc và sùng tín ngôn ngữ là cõi chết của tư duy và sự sống của con người” [2; tr.19]. Hậu hiện đại cho phép người đọc  tự  mình  phát  huy  những  cảm  quan  sáng  tạo, không còn hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ tác giả. Cũng có nghĩa là vai trò tác giả chỉ là để tạo ra văn bản còn người đọc sẽ khuấy động trong ngôn ngữ như một trò chơi. Trong khi đó, Thiền dùng thoại đầu, công án như một văn bản và nhấn mạnh đến “Nhất tự quan” – cửa ải một chữ để cho thiền sinh đạt đạo.

Trong  Lý thuyết phê bình hậu hiện đại như một siêu ngữ, GS.Lê Huy Bắc có nói rằng: “đành rằng tất cả tồn tại đều  được diễn đạt qua ngôn ngữ nhưng cứ nhất tin vào khả năng đó của ngôn ngữ thì con người sẽ là một kẻ thiển cận hết chỗ nói” [tr.20]. “Hậu hiện đại không còn sử dụng ngôn ngữ theo kiểu thông thường mà nó trở thành một siêu ngữ. Nó khiến cho người đọc cảm nhận bằng một cảm quan mới lạ”. Cũng trong bài viết đó, Lê Huy Bắc đã lấy ví dụ về việc Đức Phật Thích-ca truyền tâm ấn lại cho ngài Ca-diếp bằng  cách đưa cành  hoa sen lên. Ngài Ca-diếp mỉm cười và được cho là đã ngộ được ý chỉ của Thiền tông. “Ngày nay chúng ta xem Ca-diếp là một ông Phật bởi vì Đức Phật đã nói như thế, chứ còn lâu hoặc chẳng thể nào chúng ta tiếp cận được Phật tính của bậc tôn giả kia. Vậy sự đạt đạo hoặc ngộ được chân lý thì không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ” [2; tr.20].

Thiền chú trọng đến ngôn ngữ đạo đoạn và tâm hành xứ diệtNgôn ngữ đạo đoạn là cắt đứt con đường ngôn ngữ; tâm hành xứ diệt nghĩa là tiêu diệt chỗ vận hành của tâm, tức là đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có- không, sanh-diệt… để mong cắt nghĩa sự thật.

Tông chỉ của Thiền tông là:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

Thiền tông vượt qua ngôn ngữ, dùng nhiều phương tiện đưa con người trở lại bản thể Tánh Không mà chứng nhập  Phật tính. Ngôn ngữ là phương  tiện như thuyền qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng (tiêu nguyệt chỉ). Phải biết bước ra khỏi thuyền  để lên bờ hay phải biết nhìn theo hướng ngón tay để thấy mặt trăng.

Tác giả Insara viết rằng: “Tính giải thiêng và giải hoặc cùng sự phi nghiêm cẩn của hậu hiện đại cũng dễ tìm được tiếng  nói tương  đồng  trong  tư tưởng  và hành động của thiền sư. Cuối cùng, trong khi Phật giáo Thiền tông  vận dụng  nhiều  phương  tiện  – có khi rất khắc nghiệt – để đưa người tu tập đạt giác ngộ tối thượng thì chủ nghĩa hậu hiện đại cho phép văn chương sử dụng mọi thủ pháp cần thiết – có chất liệu ngôn từ – thế nào chúng mang lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất”.

  1. Đến phi trung tâm hay tánh Không

Khi Nietzsche thống  thiết tuyên bố rằng: “Thượng đế đã chết” hay tuyên bố “đây là buổi hoàng  hôn của những  thần tượng” nghĩa là vấn đề trung  tâm không còn tồn tại, không còn được xem trọng nữa. Phi trung tâm, phi chủ thể đã hướng đến sự đổ vỡ, phá bỏ vai trò trung tâm chủ thể, tạo nên những mảnh rời rạc.

Theo Nguyễn Nguyên Cẩn thì  “phi trung  tâm hóa nghĩa là tạo ra nhiều trung tâm, mỗi nhân vật trong tác phẩm trở thành một trung tâm của câu chuyện nào đó, giữa câu chuyện có thể có hoặc không có mối liên hệ  nào và không có khả năng kết hợp lại với nhau, tất cả tạo thành  những mãnh vỡ được khớp lại theo ý thích của tác giả”.

Soi xét vào truyện  ngắn  Việt Nam ta bắt  gặp  rất nhiều truyện được tác giả xây dựng theo kiểu phi trung tâm, không có chủ thể. Chẳng hạn trong Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp. Một chuyến đò ngang  chở khách sang sông lại đầy đủ tất cả các hạng người; từ những nhân  vật đại diện cho tầng  lớp trí thức học giả như nhà giáo, nhà thơ cho đến  kẻ buôn  bán; từ đại diện cho tầng  lớp sang trọng  về đạo đức như nhà sư cho đến kẻ trộm, giết người, dâm đãng; từ người già cho đến trẻ nhỏ; cả đàn ông đàn bà… tất cả cùng chung trên một chuyến đò. Lẽ ra chủ đò thì lái đò đưa khách sang sông thế mà bị tên cướp tranh lấy nhiệm vụ ấy. Cách xây dựng hệ thống nhân vật như vậy không nằm ngoài  một  việc phi trung  tâm  hóa, phi chủ thể  hóa. Trên chuyến đò ấy không còn nhân vật trung tâm nữa. Qua đó ta thấy được rằng Nguyễn Huy Thiệp đang mã hóa nhân vật trên chuyến đò của mình như toàn thể xã hội, toàn thể vạn loại chúng sanh. Phi trung tâm để cho thấy sự bình đẳng, ai cũng có vai trò như nhau trên cùng một chuyến đò.

Trong truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, vai trò của vị tướng-người  cha trong  gia đình không còn được thể  hiện. Lẽ ra khi tại chức thì vị tướng  là trung tâm của mọi hoạt động nhưng nay về hưu, mọi giá trị bị xóa bỏ. Hình tượng nhân vật trung tâm không còn giá trị.

Ở  truyện Không có vua ta cũng nhận thấy cách xây dựng phi trung tâm này một lần nữa được Nguyễn Huy Thiệp vận dụng. Một gia đình nhiều người mà toàn là đàn ông thì nhân vật trung  tâm lại càng bị xóa nhòa. Không có vua nghĩa là không có ai cai trị, nghĩa là sẽ loạn lạc, tôn ti trật tự sẽ bị xóa bỏ. Con không là con, cha không là cha, anh em không rõ vai trò anh em, cũng có nghĩa là không có trung tâm, không còn trung tâm.

Trong Thành phố nhà thờ của Donard Bartheline thì tính phi trung tâm rất rõ rệt. Lẽ ra mỗi khu vực hay địa bàn nào đó chỉ cần một nhà thờ là đủ để chăn dắt đàn cừu-con  chiên. Đằng này, nhà  thờ  dày đặc, nằm  sát nhau  nguyên  một thành  phố; có nghĩa là vai trò của nhà thờ không còn nguyên  giá trị nữa. Khi tất cả con chiên tập trung  về nhà thờ thì nhà thờ là trung  tâm, là một địa điểm vô cùng thiêng  liêng và quan  trọng. Thế mà ở đây, nhà thờ mất đi tính thiêng liêng của nó. Ngay ở lầu chuông là cảnh sống bụi trần nhơ nhớp của những con chiên.

Nhật Chiêu nói rằng: “tư tưởng hậu hiện đại không cho phép  một cực nào trong một hệ thống  trở thành trung tâm-vì trung tâm không phải là trung tâm. Tâm điểm là phi tâm điểm. Với Thiền, ngoại vi và tâm điểm là một,  không  cần  phải  giải cấu trúc về trung  tâm, không cần phải nghĩ bàn làm chi cho nhọc”.

Tánh Không của Thiền tông  là “đứng ngoài”- “vượt lên” đối đãi nhị nguyên  phân biệt. Khi nhận ra không phải không có và không phải không không thì thấy cái giây phút hiện tại hiện hữu. Đồng thời không còn thấy cái bản ngã trong mỗi con người. Nghĩa là Tánh Không phá ngã, phá chấp, gạt bỏ bám víu đối đãi nhị nguyên để đạt đến vô ngã, trở lại giây phút hiện tại.

Trong Khóa hư lục:

Một hôm vua (Trần Thái Tông) đến thăm chùa Chân Giáo. Có vị Tăng tên Đức Thành người nhà Tống hỏi: Thế Tôn chưa rời Đâu-suất đã giáng sanh vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Là ý nghĩa thế nào?

Vua đáp:

Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện, Muôn dặm không mây muôn dặm trời.

Tăng hỏi:

Chưa rời cung, chưa ra đời đã được chỉ dạy. Đã rời cung, đã ra đời việc thế nào?

Vua đáp:

Mây sanh đảnh núi toàn màu trắng, Nước đến Tiêu, Tương một dáng trong.

Tăng hỏi:

Mưa tạnh sắc núi sáng, Mây đi trong động ngời. Vì sao ẩn hiển như một?

Vua đáp:

Trừ người quả thật con ta đó,

Ai kẻ bạo chân vào đường này.

Như vậy ta  thấy  rằng, câu  trả  lời không đúng với mục đích của vị thiền sinh muốn nhận. Câu hỏi một đằng, câu trả lời một nẻo. Đối thoại không còn là đối thoại nữa. Phá vỡ ý đồ của người hỏi, dẹp bỏ việc thấy “cái ta” trong đối thoại. Những mảnh  vỡ đối thoại theo kiểu này chẳng  xa lạ gì và chẳng  khó bắt gặp trong văn học hậu hiện đại.

Ngôn ngữ không  còn là một  tự sự truyền thống  mà nó rời rạc, hỗn độn. Cũng có nghĩa  là đánh  vỡ trung  tâm, giải thiêng, phá  chấp  trở về với tánh Không.  Thiền  đưa  hành   giả  về  với thực tại, rời xa sự bám víu, đối đãi nhị nguyên. Hậu hiện đại giúp người tiếp nhận vạch tìm và nhận thấy giá trị của tác phẩm.

Chẳng phải trong  một  truyện  thiền  khác, khi Đức Phật đưa ngón tay chỉ mặt trăng thì siêu ngữ của hành động  này là chân lý, là trăng chứ không phải là ngón tay. Ngón tay là phương  tiện chứ không phải là mục đích, mặt trăng mới là mục đích. Việc nhận ra vấn đề này trong văn học hậu hiện đại chính là cách cho chúng ta xâu chuỗi các hình tượng phi trung tâm. Muốn hiểu rõ được giá trị khi xây dựng phi trung tâm thì ta cần vượt  qua ngôn ngữ, hiểu rõ cái siêu ngữ hiện đằng sau văn bản như việc muốn hiểu rõ chân lý cần phải vượt qua ngôn ngữ, vượt qua phương  tiện chứ không bám vào phương  tiện. Muốn hiểu được đạo cần phải nắm cốt yếu, muốn  thấy mặt trăng  thì phải nhìn theo  hướng ngón tay chỉ chứ không phải nhìn ngón tay.

Trong quá  trình xây dựng  phi trung  tâm  hóa của hậu  hiện đại và tánh  Không của Thiền chính là việc xây dựng  đối thoại. Văn học truyền  thống  xây dựng đối thoại theo  kiểu tự sự còn hậu hiện đại lại không theo mẫu ấy. Nhân vật tùy ngôn phát ngôn, đẩy ngôn từ ngày càng ra xa so với hiện thực. Cũng chính vì vậy mà phi trung  tâm càng hiện rõ trong  mỗi tác phẩm. Không có trung  tâm thì ngôn ngữ cũng không trung tâm, ngôn  ngữ trở nên hỗn độn. Trong khi nhân  vật của hậu hiện đại trở thành những mảnh vỡ thì Thiền lại đưa con người về với những im lặng, vô ngôn.

Như vậy Siêu ngữ hay Vô ngôn; phi trung  tâm hay Tánh Không giữa hậu hiện đại và Thiền trở thành giao điểm. Trong quá  trình xây dựng  phi trung  tâm, hậu hiện đại đã sử dựng  những  yếu tố siêu ngữ, phá bỏ chủ thể, tạo ra những mảnh vỡ khiến ta nhìn thấy toàn là một mớ hỗn độn. Còn tánh Không của Thiền giúp người ta phá bỏ bản ngã, vượt ra khỏi ngôn ngữ bằng nhiều phương tiện khác nhau mà chứng nhập chân lý, chứng nhập Phật tính.

Với những cách tiếp cận như vậy ta thấy Thiền và Hậu hiện đại có những  giao điểm, những  mắt xích chung.

Nhật Chiêu viết: “Những đề tài như ngôn ngữ, bản ngã, thời gian, cái chết, hư không, hoài nghi… đều được quan tâm. Tư tưởng đôi bên có khi chạm phớt qua nhau, lướt qua nhau và sau đó mỗi bên lại đi trên con đường của mình, bay đi: con đường của trò chơi dấu vết ở hậu hiện đại và con đường vô ngấn tích ở Thiền” [2; tr.54].

Kể từ lúc Đức Phật “niêm hoa vi tiếu”, Thiền tông không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó đi trước những giới hạn của ngôn  ngữ để mở rộng cường độ và phạm vi tiếp nhận của những người tham gia. Và trong thời đại hôm nay ta có Hậu hiện đại, cái vượt qua, phá vỡ “đại tự sự”.